Biến tướng lễ hội  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Thôn Lệ Chi Nam (Gia Lâm, Hà Nội) sôi động hẳn trong những ngày chuẩn bị tổ chức lễ hội Phù Gióng hồi tháng 4 năm ngoái. Cả nửa thế kỷ không được tổ chức, giờ đây, họ vui như gặp lại cha ông mình. Lễ hội được Viện Văn hóa nghệ thuật phục dựng sau khi rơi vào quên lãng từ năm 1945. “Từ khi dự án phục dựng hội bắt đầu, dân làng vui lắm”, anh Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã Lệ Chi nói.


Hội Gióng có nét riêng là các ông hiệu cờ và màn hoạt náo đánh trận

Cuộc phục dựng cũng khá công phu, phần dựa trên tư liệu dân tộc học của cố GS Nguyễn Văn Huyên, phần dựa trên trí nhớ của những cụ cao tuổi trong làng. Theo truyền thuyết, từ thôn này đã có một cánh quân cùng Thánh Gióng đánh giặc Ân. Vì thế, nếu trong di sản văn hóa thế giới hội Gióng có hội trận thì ở Lệ Chi lại có hội trận con. Nghiên cứu điền dã cho thấy nó không đủ các vai ông hiệu, cô tướng như ở hội trận lớn. Sự đặc sắc của Lệ Chi nằm ở cảnh cướp dừa hoạt náo lấy lộc. “Tại hội Phù Gióng, lộc chính là mảnh xơ dừa của một quả dừa tượng trưng cho đầu tướng giặc Ân. Trước đó, quân đỏ với gậy tre cuốn vải đỏ (quân nhà Thánh) đã đánh thắng quân xanh với gậy tre quấn vải xanh (giặc Ân). Quả dừa tượng trưng cho đầu tướng giặc đã bị đưa lên một cành tre (ngọn chẻ ra làm bốn) trong tiếng hò reo của cả đám hội. Xơ dừa sẽ mang lại may mắn cho người có được”, PGS-TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật nói. Ông Thanh chính là người đã góp phần phục dựng lễ hội này.   

Hiện nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách thập phương sau một vài lần dự hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa

GS Ngô Đức Thịnh

Hội nào cũng như hội nào

Cũng theo ông Thanh, người dân Lệ Chi Nam xứng đáng có lại lễ hội của chính làng mình, với câu chuyện văn hóa của riêng họ. Tuy nhiên, không phải làng nào cũng có may mắn như nơi này khi có những ghi chép của GS Huyên để lại, lại có thêm cả nhóm nghiên cứu điền dã của Viện Văn hóa hỗ trợ. Nhất là, theo PGS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, hầu hết những người đại diện của cộng đồng cơ sở đều trưởng thành trong giai đoạn đất nước có chiến tranh. Khi đó, các hoạt động nhằm thực thi truyền dạy về lễ hội không được thực hiện và thậm chí còn hạn chế về nhận thức. Đứt gãy văn hóa là điều khó tránh khỏi.

Cũng vì thế, theo ông Bình, khi phục hồi lễ hội, những đại diện cộng đồng này sẽ nắm bắt cách tổ chức theo kinh nghiệm của cộng đồng lân cận, theo tâm lý đám đông hoặc theo sự hướng dẫn, hối thúc, cổ vũ của lãnh đạo địa phương. Ông Bình cũng dẫn ra con số để chứng minh trình độ hạn chế của lãnh đạo địa phương. Cả nước còn hơn 3% cán bộ ở cơ sở có trình độ tiểu học hoặc không biết chữ, 48% cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, theo ông Bình: “Đa phần các lễ hội làng đều có tính chất tẻ nhạt, đơn điệu do chỉ được phục dựng theo trí nhớ và vận dụng kinh nghiệm từ các nơi khác. Chúng được thực hiện theo kịch bản na ná như nhau, cực kỳ tốn kém và ít hiệu quả”.

Cùng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cũng rất lo về sự giống nhau ngày càng lớn của các lễ hội. Cũng như văn hóa, bản chất của lễ hội là đa dạng. Cùng là lễ hội, nhưng mỗi vùng miền, thậm chí mỗi làng, có nét riêng theo kiểu người xưa nói “Trống làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Hay người xưa khi nói về những nét riêng của lễ hội từng làng của Xứ đoài thì đã có câu ca “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thì vui vậy, chẳng tày rã La”.

Nhưng giờ đây, sự đa dạng hóa này không còn nữa do sự “nhìn bài, chép bài” giữa các làng, các xã... với nhau. Theo đó, một chương trình được dàn dựng ở tỉnh này rồi cũng được dàn dựng tương tự ở tỉnh khác. “Cách đây vài chục năm, các chương trình ưa tính hoành tráng, huy động hàng vạn người xem. Nếu đạo diễn là nghệ sĩ sân khấu thì nghệ thuật sân khấu chủ đạo, nếu đạo diễn là biên đạo múa thì chủ yếu là múa minh họa. Giờ đây, mốt lại là sơ lược. Chỉ chọn một chủ đề, sau đó tổ chức tiết mục của từng đoàn đơn lẻ rồi ghép lại. Như thế, không mất nhiều công dàn dựng, nhưng chất lượng nghệ thuật nghèo nàn”, TS Trần Hữu Sơn, Sở VH-TT-DL Lào Cai cho biết.

“Mỗi lễ hội đều có cốt cách, sắc thái riêng cuốn hút khách thập phương đến với hội làng mình”, GS Thịnh nói. “Tuy nhiên, hiện nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách thập phương sau một vài lần dự hội thì cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa”.

Mà nhàm chán là đúng vì hầu như hội làng Bắc bộ nào cũng mượn quan họ đến hát. Hội làng lớn hơn lại có phần hát múa của địa phương bên cạnh. Người dân chẳng tội gì trảy hội đến vài lần chỉ để xem một tiết mục giống nhau làm gì. Những cỗ máy múa, máy ghi âm kịch bản cứ diễn lặp đi lặp lại vô hồn. Trong khi nét văn hóa địa phương của chính hội đó lại chẳng thấy đâu, như mục cướp xơ dừa ở Lệ Chi Nam chẳng hạn.


Màn hội trận mô phỏng trận chiến năm xưa giữa quân sĩ của Thánh Gióng (quân áo màu đỏ) với giặc Ân (quân áo màu xanh), 
là điểm nhấn của hội Phù Gióng Lệ Chi.

GS Ngô Đức Thịnh đề nghị: “Để khắc phục nguy cơ này, xin đề nghị các địa phương, các làng trong khi phục hồi, phát triển lễ hội cổ truyền thì nên cố gắng tìm tòi, khôi phục và phát huy các nét riêng, độc đáo về văn hóa và lễ hội của địa phương mình, làng mình. Từ nhiều nét riêng, độc đáo đó sẽ góp vào “vườn hoa lễ hội” của chúng ta nhiều sắc hương hơn”.

(Theo Thanh niên - Sưu tầm)
Cập nhật: 04/02/2015
Lượt xem: 10006
Lên trên