Phát hiện tướng cầm vồ của Đức Thánh Gióng ở Thái Bình  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Thánh Gióng là nhân vật được dân gian thần thánh hóa để đề cao tinh thần quật cường của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Vậy vị tướng chỉ huy đạo quân cầm vồ là ai? Ông là người ở đâu? Đây là câu hỏi từng làm đau đầu những người nghiên cứu về thời các vua Hùng và đặc biệt là truyền thuyết về Thánh Gióng.

Trong một lần đi thực tế, chúng tôi vào thăm ngôi đền cổ nằm sát đường liên thôn của thôn Khê Kiều (xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình), được các cụ già trông nom đền cho biết: Vị nhân thần được thờ ở đây là An Dung Quảng Bác Đại Vương. Ngài là vị tướng thời Hùng Huy Vương thứ 6 có công cùng với Đức Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Ngài có tên thật là Đỗ Phụng Trân.

Sau khi thắp hương, chiêm bái pho tượng của ngài (có niên đại khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn), chúng tôi được xem thần tích, thần phả, sắc phong của vị tướng đang thờ ở trong đền.

Phát hiện tướng cầm vồ của Đức Thánh Gióng ở Thái Bình
 
Phát hiện tướng cầm vồ của Đức Thánh Gióng ở Thái Bình
Đền thờ ông Đỗ Phụng Trân 

Thần tích, thần phả do Hàn lâm viện Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn ngày lành tháng 7, năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) và quan quản giáp Bách thần Tri Điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh (Nguyễn Hiền) theo bản cũ chép lại – Ngày lành tháng mùa đông năm Vĩnh Hựu (hiện còn bản lưu tại viện Hán Nôm và thư viện Lê Quý Đôn tỉnh Thái Bình). Bản dịch là của Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng.

Theo thần tích và các tư liệu điều tra điền dã, được biết, đời vua Hùng Huy Vương thứ 6, tại đất Hồng Châu (Châu Diên xưa), có gia đình ông Đỗ Huân, vợ là Trương Thị Chước, thường tích thiện làm nhân. Đỗ Công đã 50 tuổi, bà Trương Thị cũng tới tuổi 40 mà chưa có con. Vì thế ông bà thường đem tài sản cứu giúp người nghèo khổ, già cả.

Thần tích viết: “Nhân tiết tảo mộ, vợ chồng ông đốt hương trước mộ tổ tiên, than thở, lo lắng vì chưa có người nối dõi tông đường, trên đường về gặp ông thầy bói phán rằng “Mò kim đáy bể còn khó được, nhưng người ta làm việc thiện, ông trời ắt thương”. Từ đó phàm những việc giúp người tạo phúc đều cố gắng làm.

Một đêm ông bà ngồi trước nhà thắp hương cầu khấn, bỗng nhiên có con công ở trên trời bay xuống đậu trước bàn ông bà, một lát sau biến mất. Sau đó bà có mang 12 tháng. Vào ngày 9 tháng 8 năm Mậu Tuất sinh một người con trai, phong thái diệu kì, diện mạo khôi ngô, ngũ nhạc chầu vào, tám đình bằng phẳng.

Cha mẹ yêu quý như ngọc nên đặt tên là Đỗ Phụng Trân. Khi lớn lên, Đỗ Phụng Trân rất thông minh, theo thầy Tĩnh Đường Tiên Sinh để học binh thư, võ nghệ, cung nỏ, bạn bè ai cũng nể phục.

Năm Đỗ Phụng Trân 18 tuổi, bố mẹ cùng qua đời. Lo xong việc tang lễ, chàng liền đi du ngoạn khắp nơi. Một hôm đến trang Khê Kiều, nay là thôn Khê Kiều, xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình, tình cờ gặp cụ già người bản trang.

Thấy chàng trai có cốt cách hùng tuấn, ông lão liền mời về nhà bàn luận chuyện thế sự. Biết là người học rộng tài cao, đáng là tấm gương mẫu mực, ông lão liền mở trường để Đỗ Phụng Trân dạy học cho con em trong ấp. Các trang Phú Lễ, La Uyên, La Điền, Thượng Điền có rất nhiều người tới xin học.

Mấy năm sau giặc Ân do Thạch Linh thần tướng, cất quân xâm lược nước Văn Lang. Thế giặc vô cùng mạnh, dựng cờ đỉnh núi Trâu Sơn, Vũ Linh – Kinh Bắc… Nhà vua lo lắng sai sứ đi chiêu mộ người tài đánh giặc… Nhận được tin Đỗ Phụng Trân đã cùng 50 học trò ở 5 trang ấp đi đánh giặc.

Qua tìm hiểu được biết vùng đất La Uyên, Khê Kiều và huyện Vũ Thư xưa, 4 bề là sông nước, có các đảo nổi lên, là nơi sinh sống của cư dân Việt cổ. Qua khảo sát trước đây, cư dân ở vùng này thường làm tường nhà bằng đất. Họ dùng vồ nện chặt đất trong các khuôn bằng gỗ.

Theo truyền thuyết thì những người lính trong đội quân của Đỗ Phụng Trân, vũ khí sử dụng là đều bằng vồ, có cán dài. Phải chăng vì vậy người xưa gọi ông là tướng quân cầm vồ?

Trên đường từ Khê Kiều đến nơi hội quân cùng vua Hùng Huy Vương, tương truyền Đỗ Phụng Trân đã chiêu mộ được hàng ngàn dân binh tình nguyện tòng quân đánh giặc.

Theo thần tích làng Khê Kiều, đội quân của ông lên tới khoảng 5000 người. Thần tích cũng cho biết, quân của vua Hùng Huy Vương đánh nhau với giặc Ân vài chục trận chưa phân thắng bại. Sau đó sứ giả tuân lệnh vua đến hương Phù Đổng quận Vũ Linh thì tìm được Thánh Gióng.

Phát hiện tướng cầm vồ của Đức Thánh Gióng ở Thái Bình
Tượng vị tướng Đỗ Phụng Trân 

Thần tích viết: Cậu bé Thánh Gióng nói với mẹ bầy cơm rượu ăn uống no say, thét lên 10 tiếng rồi vươn vai cao lớn hơn 18 thước, nhảy lên ngựa sắt và nói lớn: “Ta là tướng nhà trời” rồi phi thẳng tới núi Trâu Sơn đánh giặc Ân, chém chết tướng nhà Ân là Thạch Linh thần tướng… Roi sắt bị gãy liền nhổ cây để đánh, giặc chạy tan tác.

Thiên tướng cưỡi ngựa đến núi Sóc Sơn rồi cởi bỏ áo giáp, cưỡi ngựa bay thẳng lên trời. Tàn quân giặc Ân bị tướng Đỗ Phụng Trân truy kích chém được vô số. Ông dẫn quân đuổi giặc đến bờ biển mới quay lại. Sau chiến thắng, ông trở về Hồng (Ô) Châu làm lễ bái yết tổ tiên rồi cũng cưỡi mây mà hóa.

Sau khi tướng Đỗ Phụng Trân mất, nhà vua liền phong là An Dương Quảng Bác Đại Vương và cho phép 5 trang trước đây ngài từng dạy học tới kinh thành rước thần hiệu về lập đền, miếu thờ.

Hiện nay ở các xã Tự Tân, Minh Quang, Minh Khai huyện Vũ Thư – Thái Bình có 5 làng: Khê Kiều, La Uyên, Phú Lễ, La Điền, Thượng Điền đều có đền, đình, miếu thờ ông Đỗ Phụng Trân. Đặc biệt 2 làng Khê Kiều và La Uyên đều có tượng của ông Đỗ Phụng Trân.

Theo truyền thuyết và thần phả: Sau khi ngài hóa, tinh thần thác vào con chim nhạn trắng đậu vào khúc gỗ quý trôi xuôi đến ngã 3 sông làng Khê Kiều thì dừng lại. Dân làng được báo mộng “Thần ngụ ở khúc gỗ quý trôi sông”. Dân liền thắp hương vớt khúc gỗ lên và tạc tượng để thờ.

Sau khi ngài mất, 5 làng đều tôn là thần hoàng của làng mình, khói hương thờ cúng. 5 làng đều được triều đình cấp cho hàng chục mẫu ruộng để cày cấy thu hoa lợi, lấy lộc, lo hương khói, mở lễ hội vào ngày sinh, ngày mất của ngài.

Hàng năm, vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch , dân làng mở lễ hội tế đầu xuân. Đến ngày sinh của thành hoàng là mồng 9 tháng 8 và ngày mất mồng 9 tháng 4, dân các làng thờ phụng ông đều tổ chức lễ tế long trọng, rước kiệu bát cống, đi trước là đội kèn bát âm, trống giong cờ mở, diễu hành qua 5 làng, sau đó về đến đền Khê Kiều làm lễ tế thần hoàng.

Hiện ở làng Khê Kiều còn địa danh Đền Rừng, tương truyền trước đây làng có khu rừng diện tích gần 3 mẫu, cây cối mọc um tùm, là nơi ông Đỗ Phụng Trân dạy học trò.

Sau khi ông mất, dân làng xây đền để thờ - gọi là Đền Rừng. Năm 1952, đền bị tàn phá, dân làng chuyển tượng ngài vào thờ ở ngôi đền hiện nay, cạnh chùa Trong của làng Khê Kiều.

Hiện ở đình làng Phú Lễ còn phối thờ bố mẹ của ông Đỗ Phụng Trân. Nơi đây còn lưu giữ 1 bát hương đá cổ được chạm trổ rất công phu, có giá trị thẫm mĩ cao.

Hiện tại đền thờ An Dung Quảng Bác đại vương tại làng Khê Kiều còn lưu giữ 2 tấm sắc phong của triều đại nhà Nguyễn.

Căn cứ vào thần tích, thần phả , sắc phong cùng với việc 5 làng nói trên đều thờ ông, thông qua các tài liệu điền dã khảo sát tại các địa phương có đền thờ ngài chúng ta có thể tin rằng: Vị tướng Đỗ Phụng Trân đã tham gia cùng với Đức Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân ra khỏi nước Văn Lang vào thời Hùng Huy Vương thứ 6.

Hi vọng các nhà khảo cổ học cùng các nhà nghiên cứu lịch sử sớm làm sáng tỏ hơn nữa về nhân vật Đỗ Phụng Trân – vị tướng cầm vồ có công giúp Hùng Huy Vương bảo vệ đất nước, giữ yên bờ cõi đất Văn Lang xưa.

Nhà sử học Đặng Hùng  (theo VTC News)
Cập nhật: 20/02/2013
Lượt xem: 3366
Lên trên